Cam Sành Vĩnh Long tăng giá trở lại
Vĩnh Long – Đến thời điểm hiện tại, giá cam sành ở tỉnh Vĩnh Long đã tăng giá trở lại từ 1.000 – 2.000 đồng /kg (tức là, loại thấp trước đó có giá 2.000 đồng thì giờ đã lên 3.000 đồng; 5.000 đồng thì đã lên 6.000 đồng,… thậm chí còn cao hơn).
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 17.000ha cam sành, tăng gần 3.000ha so với năm 2020. Cam sành được trồng nhiều nhất tại huyện Trà Ôn (hơn 9.500ha), huyện Tam Bình (hơn 3.300ha), huyện Vũng Liêm (hơn 2.800ha).
Được mệnh danh là “thủ phủ cam sành miền Tây”, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) có diện tích hơn 9.500ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 450.000 tấn.
Tại xã Thới Hòa (huyện Trà Ôn), địa phương có diện tích cam sành lớn, là nơi cách đây khoảng một tuần giá cam sành rớt giá chạm đáy xuống chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng. Nhưng đến nay, giá quả của loại cây này đã bắt đầu tăng trở lại.
Ông Huỳnh Văn Năm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn chia sẻ, toàn xã có gần 1.700ha cam sành, đến thời điểm hiện tại lượng tiêu thụ rất nhiều, giá cam cũng đang tăng trở lại từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tức là, loại thấp trước đó có giá 2.000 đồng thì giờ đã lên 3.000 đồng; 5.000 đồng thì đã lên 6.000 đồng,… thậm chí còn cao hơn.
Ông Năm chia sẻ thêm, nguyên nhân giá cam tăng trở lại là do ngoài miền Bắc đang ấm lên dần người dân uống nước cam nhiều hơn. Song song với đó là sự hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị tổ chức nên giá cam dần được ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Văn Trạng – Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, sau khoảng một tuần được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, đơn vị, tình hình tiêu thụ cam sành ở địa phương đã được cải thiện đáng kể. Sản lượng cam chín cần tiêu thụ gấp còn ít, cam vừa chín được thu mua giá cao hơn.
Cụ thể, loại cam xanh vừa chín có giá từ 4.500-6.000 đồng/kg, tăng từ 1.000-2.000 đồng. Sản lượng cam chín có giá 1.000 đồng/kg đã gần hết.
Ông Trạng thông tin, trong tháng 2 và nửa tháng 3, ước tính tồn đọng khoảng 60.000 tấn cam sành. Những ngày qua cam sành được nhiều nơi thu mua.
Theo ông Trạng, sau đợt cam rớt giá này địa phương sẽ rút kinh nghiệm, tổ chức lại hướng sản xuất làm sao cho hợp lý.
Vị Chủ tịch huyện cho rằng, cây cam xuống ruộng quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con. Qua đó, khuyến cáo bà con trồng cam giàn trải, rải vụ quanh năm. Thời gian tới địa phương sẽ xây dựng mã số vùng trồng, chuyển đổi trồng cam theo định hướng xuất khẩu.
Trước diễn biến như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long khuyên người dân dừng trồng mới diện tích cam sành. Nếu đã trồng rồi thì cố gắng tiếp tục chăm sóc, khi giá cam giảm sâu quá có thể cắt bỏ trái, “hy sinh 1 vụ” để dưỡng cây, khi nào thấy giá lên dần thì để trái.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân có cam tới đợt thu hoạch thì không nên neo lại. Bởi việc làm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tuổi thọ của cây cam sành và gây tồn đọng sản lượng cục bộ, làm ảnh hưởng đến giá cả đầu ra sản phẩm.
Nguồn Báo Lao Động