Bùng nổ diện tích sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, vui hay buồn?
Chỉ trong 10 năm, diện tích trồng sầu riêng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trên 300%.
Hiện giá bán sầu riêng tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp. Tại các điểm bán lẻ dọc theo các trục đường chính ở TP. Long Xuyên (An Giang) giá chỉ dao động 40.000đ/kg, tức chưa đạt 50% so với trước đây. Điều này một phần do ảnh hưởng hậu dịch COVID-19, nhưng quan trọng hơn là do ảnh hưởng từ “cung vượt cầu”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, bên cạnh các tỉnh vùng Tây Nguyên, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng bùng nổ phong trào sầu riêng. Cây sầu riêng trở thành chủ đề chính của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những trái cây bị mất giá trong thời gian qua như xoài, chanh, ổi… nhất là các vườn mít Thái mới trồng nay mất giá. Thậm chí cây sầu riêng còn lấn sân sang đất chuyên canh lúa.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ trong 10 năm, nhất là vài năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng thêm 53.780ha (trên 300%). Cụ thể, năm 2010 chỉ có 17.600ha (sản lượng 107.600 tấn), đến năm 2020 diện tích đạt 71.381ha, sản lượng 588.025 tấn.
Nhưng đó vẫn chưa phải là còn số cuối cùng. Với việc xuất hiện nhiều cơ sở bán cây giống sầu riêng ở vùng nông thôn và tất cả đều trong tâm thế “ăn nên làm ra” cho thấy phong trào trồng sầu riêng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang còn lan rộng.
Có nhiều nguyên nhân để tạo ra sự “bùng nổ” này, nhưng cơ bản là vì được cho là cây trồng mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trái với sự bùng nổ về diện tích trồng, thị phần sầu riêng luôn có giới hạn. Với vỏ có nhiều gai nhọn và thịt (cùi) có mùi khá nặng nên sầu riêng không dễ để nhiều người có thể “bình thường hóa”. Trên thực tế, thị phần của trái sầu riêng cũng chỉ quẩn quanh ở các quốc gia vùng ASEAN. Trong khi đó, việc vận chuyển, sử dụng sầu riêng với tư cách là hàng hóa cũng vấp phải nhiều trở ngại.
“Không chỉ bị một số hãng hàng không, dịch vụ vận tải đường bộ đưa vào danh sách hạn chế phục vụ, mà nhiều khách sạn cũng không hoan nghênh du khách mang sầu riêng vào”- ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp chia sẻ. Vì thế, chỉ cần thị trường cũ có sự cố, là giá sầu riêng dễ bị rơi vào bất lợi vì rất khó để mở thị trường mới như nhiều mặt hàng nông sản khác.
Hơn thế nữa, sầu riêng là cây đòi hỏi chế độ chăm sóc cao quanh năm và đặc biệt là rất nhạy cảm với điều kiện thủy cấp và nhiễm phèn như phần lớn nền đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Vì vậy, nếu không có biện pháp kiểm soát, rất dễ biến sầu riêng thành sầu chung cho nhà vườn vùng đất Chín rồng.
Nguồn báo Lao Động.