Tỉnh dự kiến mang 105 sản phẩm đến VIAE để tìm kiếm cơ hội giao thương cho doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất nông sản…
Là một trong những địa phương đầu tiên đăng ký tham gia Triển lãm Quốc tế Nông nghiệp 2022, gồm cả hai hạng mục triển lãm thực tế ảo và triển lãm Agroviet, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, Hậu Giang tập trung chủ yếu là đơn vị sản xuất cung ứng, vì vậy tỉnh tích cực tham gia các chương trình góp phần tìm đầu ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh. “Hội chợ, triển lãm là một trong những sự kiện đáp ứng được nội dung đó”, ông nói.
Với vai trò trung gian kết nối các đơn vị sản xuất trong tỉnh, lãnh đạo Trung tâm khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang kỳ vọng có thể học hỏi kinh nghiệm tổ chức tiến tới có thể tổ chức các sự kiện tương tự.
Tại Triển lãm Quốc tế Nông nghiệp 2022, tỉnh tập trung mang tới 105 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã được chứng nhận của địa phương. Bên cạnh đó là các đặc sản – mặt hàng nông sản chủ lực đã qua chế biến như dứa, các loại quả có múi như cam chanh quýt bưởi. Về thủy sản có cá thác lác chế biến, lươn chế biến. Bên cạnh đó là các loại bánh mứt kẹo… Hoạt động xúc tiến thương mại cũng được địa phương giới thiệu đến quan khách, đối tác để tìm kiếm cơ hội giao thương, ký kết hợp tác.
“Hiện tỉnh có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư và kỳ vọng thông qua triển lãm sẽ tiếp cận được nhiều đối tác có nhu cầu đầu tư góp phần giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản, tăng thu nhập cho bà con nông dân…”, ông Võ Xuân Tân cho biết.
Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp thành phố Cần Thơ – đô thị trung tâm vùng. Với hệ thống sông, rạch chằng chịt, khoảng 80% dân số làm nghề nông, 70% dân số trong độ tuổi lao động, Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có khoảng 134.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 82.000 ha sản xuất lúa, hơn 30.000 ha trồng cây ăn trái, khoảng 10.500 ha sản xuất mía đường, 10.700 ha nuôi thủy sản.
Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh là tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nền nông nghiệp thông minh. Thời gian qua địa phương ứng dụng công nghệ cao và tiếp cận nông nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất một số loại nông sản, thủy sản chủ lực, trên cơ sở đó phát triển thành một Trung tâm Nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Triển lãm quốc tế Nông nghiệp Việt Nam (VIAE) do Báo VnExpress phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Nông nghiệp Thương mại Nông nghiệp (Agritrade) tổ chức, dự kiến từ nay đến tháng 12.
VIAE là bước phát triển tiếp theo của Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021, với chuỗi sự kiện có quy mô lớn, nội dung hoạt động đa dạng hơn sẽ hướng tới mục tiêu đồng hành thường xuyên và phát triển lâu dài với ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và người nông dân.
Điểm nhấn của Triển lãm là các sự kiện mang tính quốc tế hướng đến việc xuất khẩu và kết nối các đơn vị cung ứng với các nhà mua quốc tế, thông qua 4 hình thức, gồm: kết nối online, diễn đàn, triển lãm thương mại và bình chọn sản phẩm.
Trong đó, các doanh nghiệp đồng thời có cơ hội mở gian hàng tại Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 22 – AgroViet 2022 diễn ra từ ngày 15 đến 18/9 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại, Hà Nội. Năm nay AgroViet có quy mô 150 gian hàng dự kiến sẽ quy tụ hơn 100 đơn vị doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận 50 triệu độc giả của VnExpress và các quyền lợi truyền thông như trình diễn, giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại sự kiện lớn; được vinh danh trong ngày thương hiệu riêng xuyên suốt chuỗi sự kiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được tham gia chuỗi VIP tour trong sự kiện: hội đàm giữa các trưởng đoàn, chương trình tham quan chéo các gian hàng, chương trình giao thương gặp gỡ thương hiệu.